Thông báo - Mời họp
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
Chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2020

Tình hình kinh tế - xã hội quý I/2020 (Báo cáo số 47/BC-TCTK ngày 27/3/2020 của Tổng cục Thống kê)

- Tổng sản phẩm trong nước (GDP): Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2020 ước tính tăng 3,82% so với cùng kỳ năm 2019, là mức tăng thấp nhất của quý I các năm trong giai đoạn 2011-2020.Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,08%, đóng góp 0,2% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,15%, đóng góp 58,4%; khu vực dịch vụ tăng 3,27%, đóng góp 41,4%.

- Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản: Ngành nông nghiệp tăng trưởng âm 1,17%, chỉ cao hơn mức tăng trưởng âm 2,69% của quý I/2016 trong giai đoạn 2011-2020 , làm giảm 0,1 điểm phần trăm mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 5,03% nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,04 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 2,79%, thấp hơn mức tăng 4,96% và 5,42% của cùng kỳ các năm 2018 và 2019, đóng góp 0,07 điểm phần trăm.

- Sản xuất công nghiệp: Ngành công nghiệp quý I/2020 chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19 nên đạt mức tăng trưởng thấp 5,28% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo có mức tăng thấp nhất giai đoạn 2016-2020; sản xuất và phân phối điện tăng trưởng ổn định; ngành khai khoáng giảm sâu chủ yếu do khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm mạnh.Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp quý I/2020 ước tính tăng 5,28% so với cùng kỳ năm 2019.

- Hoạt động của doanh nghiệp: Khu vực doanh nghiệp gặp khó khăn hơn trong quý I/2020 do chịu ảnh hưởng trực tiếptừ dịch Covid-19. Trong 3 tháng đầu năm 2020, cả nước có 29,7 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2019; 14,8 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 1,6%; đáng chú ý là sốdoanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn lên tới 18,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 26%. Tuy nhiên, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy các doanh nghiệp kỳ vọng dịch Covid-19 sẽ kết thúc sớm nên dự báo tình hình sản xuất kinh doanh trong quý II khả quan hơn quý I. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong quý I/2020 đạt 11,8 tỷ đồng, giảm 10,4% so với cùng kỳ năm 2019.

- Hoạt động dịch vụ: Ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 tác động tâm lý người tiêu dùng hạn chế mua sắm nơi công cộng, đi du lịch và ăn uống ngoài gia đình do lo ngại dịch lây lan nên tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3/2020giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2019, đây là mức giảm đầu tiên trong giai đoạn 2016-2020. Tính chung quý I/2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 1.246,1 nghìn tỷ đồng, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2019, nếu loại trừ yếu tố giá tăng1,6% (cùng kỳ năm 2019 tăng 9,3%).

- Vận tải hành khách và hàng hóa: Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tác động trực tiếp tới hoạt động vận tải quý I/2020, trong đó vận tải hành khách chịu ảnh hưởng lớn khi lượng khách vận chuyển tháng 3/2020 giảm 21,4% so với cùng kỳ năm 2019, tính chung 3 tháng năm 2020 giảm 6,1% do tác động của các vận động, khuyến cáo về phòng chống dịch bệnh cùng với việc tạm dừng cấp thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam.

- Khách quốc tế đến Việt Nam: Tính chung 3 tháng đầu năm 2020, khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 3,7 triệu lượt người, giảm 18,1% so với cùng kỳ năm 2019.

- Hoạt động ngân hàng: Hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng trong quý I/2020 chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, tăng trưởng tín dụng tính đến thời điểm ngày 20/3/2020 đạt mức thấp nhất so với cùng thời điểm của các năm 2016-2020.Tính đến thời điểm ngày 20/3/2020, tổng phương tiện thanh toán tăng 1,55% so với cuối năm 2019 (cùng kỳ năm 2019tăng 2,54%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 0,51% (cùng kỳ năm 2019 tăng 1,72%); tín dụng của nền kinh tế tăng 0,68% (cùng kỳ năm 2019tăng 1,9%), cho thấy các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, phải thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh do bị ảnh hưởng từ dịch Covid-19.

- Hoạt động đầu tư: Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện quý I/2020 tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2019, mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020 do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 đến tất cả các hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước quý I/2020 đạt mức khá 13,2% kế hoạch năm mặc dù kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước năm 2020 cao hơn 18% so với năm 2019 và tăng 16,4% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là tín hiệu tích cực phản ánhkết quả việc Chính phủ thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 3 tháng ước tính đạt 3,9 tỷ USD, giảm 6,6% so với cùng kỳ năm 2020, đây là lần giảm đầu tiên trong giai đoạn 2016-2020.

Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 3 tháng đầu năm 2020 có 27 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 22,9 triệu USD; có 6 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm 26,4 triệu USD. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) đạt 49,3 triệu USD.

- Thu, chi ngân sách Nhà nước: Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tác động tới sản xuất, kinh doanh và hoạt động xuất nhập khẩu, từ đó ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách Nhà nước trong những tháng đầu năm 2020. Chi ngân sách Nhà nước tập trung bảo đảm các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, y tế, quản lý Nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn.Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm ngày 15/3/2020 ước tính đạt 311,3 nghìn tỷ đồng, bằng 20,6% dự toán năm, trong đó thu nội địa đạt 256,8 nghìn tỷ đồng, bằng 20,3%; thu từ dầu thô 12,1 nghìn tỷ đồng, bằng 34,5%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 42,4 nghìn tỷ đồng, bằng 20,4%.

Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm ngày 15/3/2020 ước tính đạt 278,1 nghìn tỷ đồng, bằng 15,9% dự toán năm, trong đó chi thường xuyên đạt 201,2 nghìn tỷ đồng, bằng 19%; chi đầu tư phát triển 47,7 nghìn tỷ đồng, bằng 10,1%; chi trả nợ lãi 28,6 nghìn tỷ đồng, bằng 24,2%.

- Xuất, nhập khẩu: Dịch Covid-19 lây lan mạnh ở các nước đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU và Hoa Kỳ đãảnh hưởng không nhỏ đến kim ngạch xuất, nhập khẩu của nhiều mặt hàng. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu tháng 3/2020ước tính đạt 39 tỷ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung quý I/2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 115,34 tỷ USD, giảm 0,7%, trong đó xuất khẩu đạt 59,08 tỷ USD, tăng 0,5%; nhập khẩu đạt 56,26 tỷ USD, giảm 1,9%. Xuất siêu quý I/2020 đạt 2,8 tỷ USD.

- Chỉ số giá tiêu dùng (CPI): CPI bình quân quý I/2020 so với cùng kỳ năm 2019 tăng 5,56%; CPI tháng 3/2020 tăng 0,34% so với tháng 12/2019 và tăng 4,87% so với cùng kỳ năm 2019.

- Lao động, việc làm: Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước quý I/2020 ước tính là 55,3 triệu người, giảm 673,1 nghìn người so với quý trước và giảm 144,2 nghìn người so với cùng kỳ năm 2019 do trong quý thị trường lao động giảm ở hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cả nước và ở các ngành, nghề lao động.

Tác giả: Bộ Kế hoạch và Đầu tư

BẢN QUYỀN THUỘC VỀ SỞ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ TỈNH SƠN LA 

Địa chỉ: Tầng 6, Tòa nhà 9 tầng - Khu Trụ sở HĐND-UBND-UBMTTQVN tỉnh và một số Sở, ban, ngành của tỉnh, phường Chiềng Cơi, TP. Sơn La, tỉnh Sơn La.

Điện thoại: 02123859938 - Fax: 02123852032 - Email: skhdt@sonla.gov.vn 

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Ông Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Sở

Giấy phép hoạt động số: 10/GP-TTĐT ngày 12/10/2017 của Sở Thông tin và Truyền thông

Designed by VNPT

 Chung nhan Tin Nhiem Mang